HƯỚNG DẪN VẬN CHUYỂN CONTAINER LẠNH TRONG HOẠT ĐỘNG LOGISTICS

Việc ứng dụng rộng rãi container lạnh vào hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đang ngày càng góp phần cải thiện hiệu quả ngành logistics, giảm thiểu chi phí và tạo ra những tác động mạnh mẽ đến ngành vận tải hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, container lạnh với nhiều ưu điểm vượt trội đã dần thay thế cho kho lạnh truyền thống để làm nơi lưu trữ và bảo quản hàng hóa nông sản, trái cây sau khi thu hoạch và chế biến.

Vậy cụ thể container lạnh là gì? Và những điều nào cần phải nắm rõ khi vận tải container lạnh trong logistics? Mời bạn cùng Phần mềm Logistics tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

I. Container lạnh trong logistics là gì?

Container lạnh hay còn được gọi là “Reefer containers” là một dạng phổ biến của container nhiệt được sử dụng trong trường hợp vận chuyển hàng đông lạnh, hàng tươi sống, như trái cây, hoa, rau quả, thịt cá,… và các sản phẩm từ sữa cần được vận chuyển ở nhiệt độ thấp không đổi hoặc thuốc y tế.

Container lạnh có nhiều loại nhưng được sử dụng phổ biến nhất là container lạnh 20 feet và 40 feet, nhiệt độ container lạnh trong khoảng từ âm 30 độ C đến 30 độ C.

Container lạnh trong logistics

Do nhu cầu tiêu chuẩn hóa để có thể sử dụng trên phạm vi toàn cầu nên kích thước cũng như ký mã hiệu container thường được áp dụng theo tiêu chuẩn ISO. Theo tiêu chuẩn “ISO 18185:2006”, container hàng hóa là một công cụ vận tải có những đặc tính sau:

  • Có tính bền vững và đủ độ chắc phù hợp cho việc sử dụng lại nhiều lần;
  • Được lắp đặt thiết bị cho phép xếp dỡ thuận tiện, đặc biệt khi chuyển từ phương thức vận tải này sang phương thức vận tải khác;
  • Được thiết kế đặc biệt để có thể chở hàng bằng một hay nhiều phương thức vận tải khác nhau (tàu, xe lửa, xe tải chuyên dụng) mà không cần phải dỡ ra và đóng lại dọc đường;
  • Được thiết kế dễ dàng cho việc đóng hàng vào và rút hàng ra khỏi container.

II. Cấu tạo của container lạnh

Container lạnh được cấu tạo với bộ khung thép inox vững chắc, từ vách, sàn, cho đến nóc đều có 3 lớp với lớp ngoài cùng bằng nhôm hoặc thép không rỉ có màu trắng (có khả năng bức xạ tốt ánh sáng mặt trời, tránh hấp thụ nhiệt). Các khung thì được cấu tạo như container thường, ở giữa là lớp PU cách nhiệt dày 60mm có tỉ số nén cao. Trong cùng là lớp inox có dập sóng tăng cứng, vật liệu inox nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho hàng hóa. Hình lượn sóng cũng giúp nâng cao tính chịu lực của sàn.

cấu trúc container lạnh

Ở phía cuối của container lạnh còn có gắn hệ thống làm lạnh, âm vào phía trong container (đảm bảo an toàn cho hệ thống làm lạnh trong quá trình vận chuyển và xếp dỡ lên tàu container). Đối với các xe vận chuyển hàng lạnh Bắc – Nam thì hệ thống làm lạnh nằm ở phía ngoài container (làm tăng số lượng hàng đóng vào container). Container lạnh sử dụng máy lạnh có công suất 7,5hp hoàn toàn tự động, phương pháp làm lạnh gián tiếp.

Tại nước ta, hầu hết container lạnh đều đã qua sử dụng và chất lượng còn từ 70 – 90% tùy container và mức giá bán dao động theo chất lượng container và theo thời điểm.

Hiện nay, có nhiều nhà cung cấp bán container lạnh cũ với chất lượng thấp từ vỏ container tới máy container. Vì vậy, người mua cần lưu ý chọn container lạnh trước khi mua như chọn nhà cung cấp uy tín, chọn lựa container bãi, không chọn container qua hình ảnh, thời gian bảo hành dài hạn.

III. Các thông số có trên vỏ container lạnh

(1) Phần đầu số container gồm 10 ký tự: 4 chữ và 6 số [TEMU 932949];

(2) Số kiểm tra: Số này được tính bởi lấy tổng các số quy đổi từ 10 số trước rồi đem chia cho 11, số dư chính là số kiểm tra [8];

(3) Dãy 4 ký tự được chia làm 3 phần nhỏ [45R1]:

  • Ký tự đầu: chiều dài của container: 2 = dài 20 feet, 4 = dài 40 feet, L = dài 45 feet, M = dài 48 feet (1 feet xấp xỉ 30cm);
  • Ký tự thứ hai: chiều cao của container: 0 = 8 feet (8’0”), 2 = 8 feet 6 inches (8’6”), 5 = 9 feet 6 inches (9’6”);
  • Hai ký tự cuối: loại container (container thường, container lạnh, container quá khổ…);

(4) MAX. GROSS: Tổng trọng lượng tối đa cho phép. Nghĩa là tổng trọng lượng của nguyên container bao gồm vỏ và vật chất đóng trong đó (hàng hóa, vật liệu chèn lót, lashing,…) được thể hiện bằng 2 đơn vị là kg và lb (1 kg ~ 2.2 lb). Đơn vị này theo tiêu chuẩn ISO 6346 MAX. GROSS = TARE + PAYLOAD (NET);

(5) TARE: Trọng lượng vỏ container;

(6) PAYLOAD (NET): Tổng lượng vật chất tối đa được phép đóng vào container. Đối với (4), (5), (6) liên quan đến việc làm VGM (Verified Gross Mass) – xác nhận toàn bộ khối lượng container;

(7) CUBIC.CAPA (CUBIC CAPACITY): Tổng số khối trong container, được tính bằng mét khối (m3) và feet khối (Ft3);

(8) Logo hoặc tên của chủ sở hữu container;

(9) Bảng CSC (Cont Safety Convention): Công ước về container đủ tiêu chuẩn an toàn cho vận chuyển;

(10) Các mã ký hiệu khác mà nhà sản xuất đưa ra nhằm hướng dẫn việc sử dụng container và những lưu ý khi chất xếp hàng hóa. Trong hình là mẫu container lạnh nên có rất nhiều khuyến cáo khác nhau cho việc sử dụng mà nhà sản xuất đã lưu ý;

(11) Chốt cửa: Cái này rất quan trọng trong container. Đảm bảo lúc chốt cửa trái thì cửa phải không thể mở ra. Trong vận chuyển container thường có khái niệm là “nguyên cont, nguyên seal’’ thì nhà vận tải sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với hàng hóa bên trong.

IV. Những điều cần phải biết khi vận chuyển container lạnh

1. Vận chuyển container hàng lạnh bằng đường biển

Để lấy được booking container lạnh thì ngoài những yêu cầu về cảng xếp, cảng dỡ… thì cần lưu ý những điểm quan trọng sau đây:

  • Loại container lạnh: 20 feet và 40 feet là những loại container lạnh hiện đang phổ biến trên thị trường Việt Nam.
  • Nhiệt độ (Temp): dải nhiệt độ của một container lạnh trong khoảng từ -30 độ C đến +30 độ C được điều chỉnh bởi hệ thống lạnh gắn ở đuôi container. Mỗi mặt hàng có một nhiệt độ thích hợp khác nhau, vì thế bên khách hàng cần phải cung cấp thông tin nhiệt độ chính xác để setup container.
  • Việc nhiệt độ không đúng theo yêu cầu kỹ thuật nếu nhẹ thì sẽ làm giảm chất lượng hàng hóa, nặng thì làm hư hỏng hàng. Đối với nhiệt độ thì có 2 đơn vị là độ C (C – Celsius) và độ F (F – Fahrenheit), (1 độ C = 33.8 độ F).
vận chuyển container lạnh
  • Độ thông gió (Vent): Độ thông gió là mức độ lưu thông không khí mới vào trong container, giúp cho không khí trong container có cùng nhiệt độ ở mọi nơi, loại bỏ các khí có hại tỏa ra từ hàng hóa, điều hòa độ ẩm trong container, tránh trường hợp ngưng tụ nước trên container và giọt xuống kiện hàng làm hư, thối hàng hóa (hiện tượng đọng nước gọi là đổ mồ hôi trong vỏ container).

Ví dụ: Khi đóng hàng hoa quả vào container như chuối, xoài, thanh long, các quả chín trước sẽ phát ra khí Acetylen (C2H2) làm chín đồng loạt tất các các quả còn lại. Hoặc khi vận chuyển các loại củ như khoai lang, khoai tây, khoai môn, các củ này có khả năng phát nhiệt rất mạnh làm container nóng lên. Nếu không giải quyết kịp thời, nhẹ thì làm củ mọc mầm, nặng thì đổ mồ hôi vỏ container dẫn tới hư, thối hàng.

reefer-container

Yêu cầu setup nhiệt độ trước từ bãi container (CY) trước khi cho đầu kéo kéo container ra khỏi cảng. Điều này là cực kỳ quan trọng vì quảng đường từ cảng, depot đến kho trong quá trình đầu kéo chở container không đủ để đạt được mức nhiệt độ yêu cầu. Đặc biệt là những mức nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ âm, chưa kể đến việc bị mất nhiệt trong quá trình vận chuyển container từ cảng xuống kho.

2. Cách đóng hàng tại kho lạnh

Để đảm bảo hàng được giao tới người nhập khẩu với chất lượng hàng tốt nhất thì cần lưu ý khi đóng hàng vào container lạnh tại kho những điểm sau đây:

Tiêu chuẩn kho lạnh: Điều quan trọng nhất của một kho lạnh đủ tiêu chuẩn là hệ thống nhiệt độ của kho và các cửa kho. Cửa kho lạnh có một đặc điểm hết sức quan trọng, đó là kích thước cửa kho sẽ vừa đúng bằng kích thước của container hoặc kích thước các loại xe tải lạnh khác, đảm bảo container và hàng hóa luôn giữ được mức độ nhiệt như yêu cầu.

Cách đóng hàng tại kho lạnh

Hệ thống điện 3 pha: Hệ thống điện 3 pha gồm 3 dây nóng và 1 dây lạnh đạt mức 380V. Điện sử dụng trong sinh hoạt gia đình là 220V (không đủ để cắm cho container). Nếu kho không có điện 3 pha thì buộc phải phát máy chạy lạnh trên đầu kéo. Việc này sẽ phát sinh thêm chi phí chạy lạnh.

Khi đóng hàng tại kho: Đối với những mặt hàng được đóng trên các pallet thì phải dùng xe nâng tay để đưa hàng vào phía trong container vì sàn container lạnh yếu hơn sàn container thường. Việc đưa xe nâng vào trong container để thao tác có thể làm hư sàn.

Trong quá trình đóng hàng, cần theo dõi tình hình hoạt động của container ít nhất 3 giờ một lần nhằm đảm bảo container hoạt động bình thường, luôn duy trì mức nhiệt như yêu cầu.

Không được xếp hàng quá khổ lên đến nóc container: Trong container lạnh có điểm đánh dấu không được xếp hàng vượt qua điểm đánh dấu để đảm bảo cho việc lưu thông khí từ cuối đến đầu container, đảm bảo một mức nhiệt độ cho toàn container.

Không nhất thiết đóng hàng cần có các lớp cách giữa các khối hàng và vỏ container vì container có các rảnh chạy song song thành container, sàn container đảm bảo không khí lưu chuyển đều đến mọi ngóc ngách trong container.

Hiện tại, phần lớn việc đóng hàng trái cây xuất đi chủ yếu là lấy từ các vựa trái cây, và đóng thẳng vào container vì thế việc đóng hàng thường rất hay gặp các vấn đề như: Hoa quả đang ở nhiệt độ thường được đóng vào trong container. Điều này dẫn đến hoa quả vào trong container không đạt được nhiệt độ lý tưởng như kế hoạch dẫn tới có thể bị hư hàng. Hàng đóng vào container tốt nhất là khi hàng đang ở nhiệt độ yêu cầu và cho vào container luôn thì chuẩn nhất.

3. Vận chuyển container hàng lạnh bằng đường bộ 

Sử dụng phương tiện chuyên dụng để vận chuyển

Sử dụng đúng phương tiện vận tải hàng lạnh là điều quan trọng nhất. Một số nhà vận chuyển sử dụng xe container không có máy phát để vận chuyển container lạnh.

Hiện nay, cũng đang có tình trạng các nhà vận tải không có trung thực trong vận chuyển đặc biệt là vận chuyển container lạnh hàng nhập đối với các tuyến đường ngắn như Cát Lái về chợ đầu mối, họ không có sử dụng xe đầu kéo chuyên dụng hoặc sử dụng mà không có chạy máy phát điện. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ hàng bị hư.

Vận tải lạnh đường biển

Ghi chép nhiệt độ

Trong hệ thống làm lạnh của container, có một máy theo dõi về quá trình hoạt động của container cũng như là mức độ nhiệt trong container. Việc này giúp nhà vận chuyển có thể theo dõi được quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, cũng là căn cứ để phân định trách nhiệm khi xảy ra hư hỏng hàng nếu có.

Giá cước vận chuyển container lạnh đường bộ

Giá cước vận chuyển container lạnh thường cao hơn giá cước vận chuyển container thường khoảng tầm 1.5 lần. Phần lớn hàng lạnh chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh lân cận TP.HCM về Cát Lái như: Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Nai, Vũng Tàu,… Hoặc là được vận chuyển từ Việt Nam sang các cửa khẩu biên giới đường bộ với Trung Quốc.

Giá cước vận chuyển container lạnh phụ thuộc rất nhiều vào việc kho lạnh có đảm bảo không? Có cần phải phát máy phát để duy trì lạnh cho container không, tuyến đường cụ thể như thế nào?

vận chuyển hàng lạnh

Trên đây là một số đặc điểm cần lưu ý khi vận chuyển container lạnh. Chúc bạn thành công!

———————————–

Logistics Software – Khang Vân Tech

Hotline: 0933.656.118
Email: info@phanmemlogistics.vn
Website: https://phanmemlogistics.vn/
Địa chỉ: Số 9/84 Ngọc Khánh, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Leave a comment