Logistics là gì?

Logistics là gì? Khác gì với Chuỗi cung ứng? Và các thuật ngữ 2PL, 3PL, 4PL nghĩa là thế nào v.v…?

Bạn có bao giờ thắc mắc những câu hỏi như vậy không?

Cá nhân tôi mặc dù đã làm trong ngành shipping nhiều năm, và sau đó chuyển sang làm cho công ty logistics, tôi vẫn có thời gian dài không có khái niệm rõ ràng về lĩnh vực này.

Logistics là gì?

Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.

Logistics có thể được dịch không sát nghĩa là “hậu cần”, vì vốn dĩ nó xuất phát từ lịch sử như tôi sẽ nêu trong phần dưới đây. Có lẽ đến nay Tiếng Việt không có thuật ngữ tương đương. Do đó, chúng ta chấp nhận sử dụng từ tiếng Anh “logistics” như một từ đã được Việt hóa, cũng tương tự như nhiều từ khác trong thực tế đã chấp nhận như container, marketing…

Lịch sử logistics

Theo Wikipedia, về mặt lịch sử, thuật ngữ logistics được cho là bắt nguồn từ các cuộc chiến tranh cổ đại của đế chế Hy Lạp và La Mã. Khi đó, những chiến binh có chức danh “Logistikas” được giao nhiệm vụ chu cấp và phân phối vũ khí và nhu yếu phẩm, đảm bảo điều kiện cho quân sỹ hành quân an toàn từ bản doanh đến một vị trí khác.

Công việc “hậu cần” này có ý nghĩa sống còn tới cục diện của chiến tranh, khi các bên tìm mọi cách bảo vệ nguồn cung ứng của mình và tìm cách triệt phá nguồn cung ứng của đối phương. Quá trình tác nghiệp đó dần hình thành một hệ thống mà sau này gọi là quản lý logistics.

Trong thế chiến thứ hai, vai trò của “logistics” càng được khẳng định. Đội quân hậu cần của quân đội Mỹ và đồng minh tỏ ra có hiệu quả hơn của quân đội Đức. Quân Mỹ đã đảm bảo cung cấp vũ khí, đạn dược, và quân nhu đúng địa điểm, đúng thời gian, bằng những phương thức tối ưu. Nhờ phát huy ưu thế về công tác hậu cần mà Mỹ và đồng minh đã nhiều lần chiếm ưu thế trong cuộc chiến tranh. Cũng trong thời gian này, nhiều ứng dụng về logictics đã được phát triển và vẫn còn được sử dụng đến ngày nay, mặc dù đã có ít nhiều thay đổi để phù hợp với môi trường sản xuất kinh doanh.

Định nghĩa mang tính học thuật

Hiện có nhiều định nghĩa học thuật về thuật ngữ logistics. Theo Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP), thì thuật ngữ này được định nghĩa đầy đủ nhưng khá dài dòng như sau:

“Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hoạt động của quản trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là chức năng tổng hợp kết hợp và tối ưu hóa tất cả các hoạt động logistics cũng như phối hợp hoạt động logistics với các chức năng khác như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin.”

Khái niệm Logistics trong luật Việt Nam

Thuật ngữ logistics cũng đã được sử dụng chính thức trong Luật thương mại 2005, và được phiên âm (hơi “ngộ nghĩnh”) theo tiếng Việt là “lô-gi-stíc”. Điều 233 Luật thương mại nói rằng:

“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”

Dịch vụ logistics gồm những gì?

Để hiểu rõ hơn khái niệm logistics là gì, chúng ta có thể tìm hiểu xem những đơn vị dịch vụ trong lĩnh vực này họ cung cấp gì. Và nội dung này được nêu rõ trong Nghị định 163/2017/NĐ-CP.

Theo đó, dịch vụ logistics gồm những loại như sau:

  1. Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay.
  2. Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
  3. Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.
  4. Dịch vụ chuyển phát.
  5. Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.
  6. Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).
  7. Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.
  8. Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.
  9. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển.
  10. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.
  11. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.
  12. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.
  13. Dịch vụ vận tải hàng không.
  14. Dịch vụ vận tải đa phương thức.
  15. Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.
  16. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

Phân biệt logistics với “Chuỗi cung ứng”

Nếu logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng như định nghĩa trên, thì phần còn lại là gì? Phân biệt logistics và chuỗi cung ứng như thế nào? Hay nói cách khác, logistics khác gì với chuỗi cung ứng?

Để có căn cứ phân biệt, ta quay trở lại với khái niệm “chuỗi cung ứng” cũng của Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng. Hãy xem họ định nghĩa thế nào:

“Quản trị chuỗi cung ứng bao gồm hoạch định và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến tìm nguồn cung, mua hàng, sản xuất và tất cả các hoạt động quản trị logistics. Ở mức độ quan trọng, quản trị chuỗi cung ứng bao gồm sự phối hợp và cộng tác của các đối tác trên cùng một kênh như nhà cung cấp, bên trung gian, các nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng. Về cơ bản, quản trị chuỗi cung ứng sẽ tích hợp vấn đề quản trị cung cầu bên trong và giữa các công ty với nhau. Quản trị chuỗi cung ứng là một chức năng tích hợp với vai trò đầu tiên là kết nối các chức năng kinh doanh và các qui trình kinh doanh chính yếu bên trong công ty và của các công ty với nhau thành một mô hình kinh doanh hiệu quả cao và kết dính. Quản trị chuỗi cung ứng bao gồm tất cả những hoạt động quản trị logistics đã nêu cũng như những hoạt động sản xuất và thúc đẩy sự phối hợp về qui trình và hoạt động của các bộ phận marketing, kinh doanh, thiết kế sản phẩm, tài chính, công nghệ thông tin.”

Nếu so sánh hai định nghĩa trên, có thể thấy sự khác nhau cơ bản. Khái niệm chuỗi cung ứng rộng hơn, bao gồm cả logistics và quá trình sản xuất. Ngoài ra, chuỗi cung ứng chú trọng hơn đến hoạt động mua hàng (procurement) trong khi logistics giải quyết về chiến lược và phối hợp giữa marketing và sản xuất.

Các thuật ngữ 1PL, 2PL, 3PL, 4PL,….

Khi nói đến logistics, bạn có thể được nghe các công ty dịch vụ tự giới thiệu họ là 3PL (Third Party Logistics Provider), nghĩa là Công ty cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3.

Câu hỏi đặt ra là: 3PL là gì nếu họ là bên thứ 3, vậy còn các bên thứ nhất (1PL), thứ hai (2PL), hay bên thứ tư (4PL) là gì? Còn đến 5PL hay cao hơn nữa hay không?

Thuật ngữ 1PL

1PL là người cung cấp hàng hóa, thường là người gửi hàng (shipper), hoặc là người nhận hàng (consignee). Các công ty tự thực hiện các hoạt động logistics của mình. Công ty sở hữu các phương tiện vận tải, nhà xưởng, thiết bị xếp dỡ và các nguồn lực khác bao gồm cả con người để thực hiện các hoạt động logistics. Đây là những tập đoàn Logistics lớn trên thế giới với mạng lưới logistics toàn cầu, có phương cách hoạt động phù hợp với từng địa phương.

Thuật ngữ 2PL

2PL là người vận chuyển thực tế, chẳng hạn như hãng tàu, hãng hàng không, hãng xe tải

Thuật ngữ 3PL

3PL là người cung cấp giải pháp tổng thể cho dịch vụ logistics cho khách hàng, họ thường đảm nhiệm một phần, hay toàn bộ các công đoạn của chuỗi cung ứng.

Thuật ngữ 4PL

4PL Thuật ngữ 4PL lần đầu tiên được công ty Accenture sử dụng, và công ty này đã định nghĩa như sau:

“A 4PL is an integrator that assembles the resources, capabilities, and technology of its own organization and other organizations to design, build and run comprehensive supply chain solutions.”